95 % thị phần chuyển phát quốc tế thuộc về doanh nghiệp ngoại

Thương mại điện tử phát triển mạnh kéo theo sự ra đời của nhiều công ty chuyển phát. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn được đánh giá là manh mún, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

95 % thị phần chuyển phát quốc tế thuộc về doanh nghiệp ngoại

Thông tin được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra tại Hội thảo “Dịch vụ chuyển phát với Thương mại điện tử” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (24/10).

VECOM cho biết trong năm nay có  91 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, nhưng không ít trong số này chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện… của khách hàng để chuyển sang bên đại lý.

Ngoài 3 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất Việt Nam  hiện nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost), Công ty DHL của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Bưu chính Viettel  (Viettel Post) có mạng lưới phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước, thì hầu hết các công ty chuyển phát đều có quy mô nhỏ và vừa. Do vậy chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thương mại điện tử hiện nay.

Theo Bộ Công Thương nguyên nhân là hệ thống quản lý hàng hóa chuyển phát của các doanh nghiệp còn thủ công, hạ tầng nhà xưởng kho bãi và phương tiện vận chuyển chưa hiện đại, phụ thuộc phần lớn vào bên thứ ba khi hàng hóa được chuyển phát bằng hàng không.

“Hàng hóa chuyển phát đi quốc tế phụ thuộc trên 95% vào các hãng chuyển phát nước ngoài. Chưa kể đến đội ngũ nhân lực còn không qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn…”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký VECOM cho biết.

Chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao cũng là một trong những yếu tố chủ yếu khiến giá mua sắm trực tuyến tại Việt Nam không rẻ hơn đáng kể so với kênh mua sắm truyền thống. Điều này cản trở không nhỏ tới lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Để thương mại điện tử trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ như tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp chuyển phát cần tập trung đầu tư chiều sâu về công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ kiến thức cho đội ngũ nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Thành Tâm